Xạ can

Description

Tên gọi khác: 

• Rẻ quạt, lưỡi đồng

• Tên khoa học: Belamcanda chinensis Lem

Mô tả: 

• Cây thảo, sống nhiều năm, cao 0,50 – 1m. Thân rễ mọc bò, phân nhánh nhiều. Thân ngắn bao bọc bởi những bẹ lá. Lá hình dải, dài 30 cm, rộng 2cm, gốc ốp lên nhau, đầu nhọn, gân song song, hai mặt nhẵn, gần như cùng màu; toàn bộ các lá xếp thành một mặt phẳng và xoè ra như cái quạt.

• Cụm hoa phân nhánh, dài 30 – 40 cm; lá bắc dạng vảy, hoa có cuống dài, xếp trên nhánh như những tác đơn, màu vàng cam điểm những đốm tía; dài có răng nhỏ hình mũi mác; tràng có cánh rộng và dài hơn lá dài; nhị 3, dính ở gốc cánh hoa; hầu 3 ô.

• Quả nang, hình trứng, hạt nhiều, màu đen bóng

• Mùa hoa quả: tháng 7 – 10

Phân bố:

• Belamcanda Adans là chi đơn loài với 1 loài duy nhất là xạ can. Hiện chưa rõ về nguồn gốc phát sinh; song có thể thấy cây sống trong trạng thái hoang dại và được trồng ở Ấn Độ, Triều Tiên,  phía nam của Nhật Bản, Đông Nam Trung Quốc, Indonesia, Philippin, Thái Lan, Campuchia, Lào và Việt Nam. Cây đã được trồng lâu đời ở Ấn Độ và Trung Quốc. Đến thế kỷ 17 du nhập sang Anh, Châu Âu và đến thế kỷ 18 tiếp tục được nhập vào Bắc Mỹ để trồng làm cảnh.

• Ở Việt Nam, xạ can cũng gặp ở trạng thái hoang dại và trồng. Cây mọc hoang rải rác ở các bãi hoang quanh làng, hoặc dưới chân núi đá vôi ở Ninh Bình, Thanh Hoá, Lạng Sơn, Quảng Ninh,.. Còn xạ can trồng chủ yếu ở vườn các gia đình, vườn cây thuốc của các cơ sở y tế, hoặc trong các nghĩa trang (trang trí cho các mồ mả). Từ năm 1981 – 1986, xạ can được trồng nhiều ở Nông trường Dược liệu Đắc Trung (Đắc Lắc), Đồng Nai, Bình Dương,.. để lấy dược liệu xuất khẩu. Tuy nhiên, Ấn Độ và Trung Quốc là những nước trồng nhiều xạ can nhất thế giới.

Bộ phận dùng: 

• Thân rễ thu hái vào mùa xuân khi cây ra nụ hoặc màu thu khi bộ phận trên mặt đất tàn héo, loại bỏ đất cát, rễ con, rồi đem phơi hặc sấy khô. Khi dùng thái phiến. Theo quy định của Được điển Trung Quốc 1997 (bản in tiếng Anh), hàm lượng chất chiết nóng bằng cồn không được dưới 18%

Công dụng của cây Xạ can: 

• Xạ can được coi là một vị thuốc quý chữa các bệnh về họng, viêm Amiđan có mủ, ho nhiều đờm, khản tiếng; còn được dùng chữa sốt, đại tiểu tiện không thông, sưng và tắc tia sữa, đau kinh, và làm thuốc lọc máu. Ngày dùng 3 – 6g dưới dạng thuốc sắc hoặc bột làm viên ngậm, uống, hoặc dùng 10 – 20g thân rễ tươi rửa sạch, nhúng qua nước sôi, giã nát với vài hạt muối, vắt nước ngâm và nuốt dần, bã hơ nóng, đắp vào cổ. Để chữa rắn cắn, dùng cả cây, giã nát, thêm nước gạn uống, bã đắp.

• Trong y học cổ truyền Trung Quốc, xạ can được coi là có tác dụng trừ nhiệt độc, trừ đờm, làm đỡ đau họng, thuốc long đờm, điều trị viêm họng, viêm Amiđan, ho và khó thở, khạc ra nhiều đờm. Ngày dùng 3 – 9g. Ở Ấn Độ xạ can điều trị bong gân bằng cách giã nát thân rễ, bọc trong một lá trầu không, đắp và băng vào cơ của chi bị bong gân. Ở các nước Đông Nam Á, thân rễ xạ can được dùng phổ biến để điều trị viêm họng và bệnh đường hô hấp trên khác như viêm thanh quản, viêm amiđan, ho đờm và hen. Còn dùng làm thuốc lọc máu, thuốc khai thông và gây trung tiện, thuốc lợi tiểu và thuốc bổ. Ở Malaysia, xạ can được dùng điều trị bệnh lậu và nấu nước tắm cho phụ nữ sau khi đẻ. Ở Indonesia, xạ can giã đắp trị đau lưng.

Tính vị: 

• Vị đắng, tính mát, hơi có độc

Tác dụng dược lý: 

• Trong thí nghiệm in vitro, cao cồn thân rễ xạ can có tác dụng ức chế các chủng vi khuẩn: phế cầu, liên cầu tan máu, trực khuẩn ho gà, Bacillus subtilis, và có tác dụng yếu đối với các chủng vi khuẩn: tụ cầu vàng, Shigella dysenteriae. Sh. shigae, Enterococcus. Lá xạ can không thể hiện tác dụng ức chế các chủng vi khuẩn trên với liều lượng tương đương thân rễ. Thân rễ xạ can có tác dụng trống viêm trong mô hình gây phù bàn chân với kaolin, và gây u hạt thực nghiệm với amian ở chuột cống trắng, và có độc tính thấp. Có tác dụng chống co thắt gây bởi histamin trên cơ trơn ruột chuột lang cô lập, và có tác dụng lợi tiểu nhẹ.

• Flavonoid toàn phần của xạ can có tác dụng ức chế yếu hoạt tính của men polyphenoloxydase huyết thanh người in vitro. Hoạt tính cuả men này trong huyết thanh người tăng rõ rệt trong các bệnh nhiễm khuẩn, trong các trạng thái viêm cấp tính hoặc mạn tính, trong các bệnh bạch cầu, xơ gan, tăng nang tuyến giáp. Cao chiết với nước nóng từ thân rễ xạ can với nồng độ 0,5 x10-1 có hoạt tính ức chế aldose reductase là enzyme gây tích luỹ sorbitol trong tế bào. Aldose reductase có vai trò quan trọng trong bệnh sinh những biến chứng của đái tháo đường mạn tính như bệnh võng mạc, bệnh thần kinh và bệnh thận. Nước sắc thân rễ xạ can được tiêm phúc mạc cho chuột và theo dõi sự thay đổi nhiễm sắc thể tế bào tuỷ xương sau 24 và 48 giờ, thấy xạ can với liều lượng tương đương với liều dùng cho người, tính theo kg thể trọng, không gây tổn thương nhiễm sắc thể; với liều gấp 4 lần bắt đầu có tổn thương nhẹ và với liều gấp 15 lần làm tăng chỉ số phân bào và lệch bội.

• Đã nghiên cứu sàng lọc trên cao nước thân rễ xạ can về hoạt tính ức chế HIV – 1 protease trong thử nghiệm sinh fluor và thấy nồng độ có tác dụng là 25 microgram/ml. Chất belamcanda quinone A phân lập từ hai xạ can có hoạt tính ức chế đặc hiệu cyclooxygenase. Trong thử nghiệm trên dung dịch bào tương của bạch cầu đa hình, belamcandol A và ardisianon A được chứng minh là có tác dụng ức chế đặc hiệu 5 – lipoxygenase

• Chế phẩm từ thân rễ xạ can và củ sâm đại hành được thử nghiệm lâm sàng trên nhiễm khuẩn đường hô hấp trên cho trẻ em và viêm họng cho người lớn, đã có kết qua điều trị tốt ở 76,4% bệnh nhi, ở 85% bệnh nhân viêm họng cấp tính. Thuốc được dung nạp tốt, không gây tác dụng không mong muốn. Chế phẩm viên ngậm từ xạ can, cát cánh, trần bì được ứng dụng lâm sàng cũng có tác dụng tốt điều trị viêm họng, làm giảm đau, chống viêm tấy, làm mềm và ẩm niêm mạc họng, kích thích xuất tiết, giảm phản xạ. Xạ can có trong thành phần một thuốc cầm máu, cùng với lá phèn đen, sim rừng và ngũ bột tử; áp dụng trên lâm sàng qua 100 ca cắt amiđan, thuốc có tác dụng cầm máu nhanh khi chấm quả bông cầu vào hốc amiđan mới bóc tách. Đã áp dụng bài thuốc gồm xạ can và cải trời điều trị cho 55 trường hợp lao hạch, kết quả khỏi 54,5%. Riêng đối với lao hạch thể rò mủ và nhân bã đậu, khỏi 100%. Thời gian điều trị từ 2 tháng đến 17 tháng

Liều dùng:

• Ngày dùng 3 – 6g dưới dạng thuốc sắc hoặc bột làm viên ngậm, uống, hoặc dùng 10 – 20g thân rễ tươi rửa sạch

Kiêng kỵ: 

• Phụ nữ có thai không nên dùng