Kim Tiền Thảo

Description

Tên gọi khác:

• Đồng tiền lông, mắt trâu, vảy rồng, dây sâm lông (Quảng Nam – Đà Nẵng), bươm bướm (Quảng Ninh)

• Tên khoa học: Desmodium styracifolium (Osb.) Merr.

Mô tả: 

• Cây nhỏ cao 40-80cm, mọc bò. Thân rạp xuống, đâm rễ ở gốc rồi mọc đứng. Cành non hình trụ, khía vằn và có lông nhung màu gỉ sắt. Lá mọc so le gồm một hoặc ba lá chét, dài 2,5 – 4,5cm, rộng 2 – 4cm, lá chét giữa hình mắt chim, các lá chét bên hình bầu dục, mắt chim; mặt trên lá màu lục lờ và nhẵn, mặt dưới có lông trắng bạc và mềm. Cụm hoa chùm hay chùy ở nách hay ở ngọn, có lông mềm màu hung hung, thường có lá ở gốc các hoa. Hoa màu hồng, xếp 2-3 cái một. Quả thõng, hơi cong hình cung, có ba đốt. Ra hoa tháng 6-9, kết quả tháng 9-10

Phân bố: 

• Trên thế giới, kim tiền thảo phân bố ở các tỉnh phía nam Trung Quốc, Lào. Ở Việt Nam, cây thường gặp ở các tỉnh thuộc vùng núi thấp và trung du phía bắc, từ Nghệ An trở ra. Các tỉnh có nhiều kim tiền thảo là Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Hà Tây, Hoà Bình,…

Công dụng của Kim tiền thảo:

• Kim tiền thảo được dùng chữa sỏi đường tiết niệu, sỏi mật, viêm gan vàng da, viêm thận phù thủng, nhiệt lâm, thạch lâm

Tính vị:

• Vị ngọt, tính mát

Tác dụng dược lý:

• Trong số các saponin triterpenoid tồn tại trong kim tiền thảo, chất soyasaponin I đã được chứng minh có tác dụng ức chế sự hình thành sỏi Ca oxalat ở thận. Cao kim tiền thảo thí nghiệm trên chuôt cống trắng có tác dụng ức chế sự hình thành sỏi calci oxalat ở thận do polysaccharide ức chế sự tăng trưởng của Ca oxalat monohydrat đồng thời làm tăng lượng bào tiết nước tiểu. Đối với gan mật, kim tiền thảo có tác dụng tăng cường sự phân tiết dịch mát.

• Đối với hệ tim mạch, dung dịch chế từ kim tiền thảo trên chó gây mê, tiêm tĩnh mạch với liều 1,6ml/kg (tương đương 8g/8kg) làm tăng lưu lượng mạch vành 197%, hạ huyết áp khoảng 30%, lmaf tim đạp chậm, đồng thời giảm mức tiêu thụ oxygen của cơ tim. Kim tiền thảo có tác dụng đối kháng với các triệu chứng do pituitrin gây nên lưu lượng mạch vành giảm , thiếu máu cơ tim thể hiện trên điện tâm đồ và rối loạn nhịp tim. Trên bản tim cô lập chuột lang, kim tiền thảo có tác dụng tăng sức co bóp.

• Dạng chiết nước của kim tiền thảo thí nghiệm trên chuột cống trắng có tác dụng hạ huyết áp thông qua sự kích thích các bộ phận cảm nhận cholinergic và sự phong bế các bộ phận cảm nhận adrenergic. Dạng chiết còn đối kháng với tác dụng gây co bóp giải động mạch chủ cô lập do methoxamin gây nên. Thành phần flavonoid của kim tiền thảo cũng có tác dụng hạ huyết áp

Liều dùng:

• Ngày 15 – 30g, sắc nước uống