Bạch Truật

Description

Tên gọi khác: 

• Truật, Sơn khương, Sơn liên, Mã kế, Dương phu, Phu kế, Sơn tinh, Ngật lực già, Thổ sao bạch truật, Đông truật, Ư tiềm truật, Sao bạch truật,…

• Tên khoa học: Atractylodes macrocephala Koidz

Mô tả:

• Bạch truật là một cây mọc lâu năm, cao tới 80cm. Rễ phát triển thành củ to và mẫm. Lá mọc so le, dai. Lá ở phía dưới thân có cuống dài, phiến lá chia làm 3 thuỳ rõ rệt, cắt sâu, trông gần như lá riêng, lá ở ngọn không chia thuỳ, cuống ngắn, mép phiến lá có răng cưa đều và nhọn. Cụm hoa hình đầu, lớn, tổng bao hình chuông, phiến tổng bao gồm 7 lớp trông như ngói lợp. Tràng hoa hình ống phía dưới màu trắng, phía trên màu tím đỏ, chia làm 5 thuỳ hình, sợi dài, 5 nhị (trong những hoa cái ở phía ngoài của cụm hoa có nhị thoái hoá). Bầu nhuỵ có phủ lông trắng, ở đỉnh mang một chùm lông dài mượt (dùng để phát tán quả nhờ gió)

Phân bố, thu hái:

• Mọc chủ yếu ở các địa phương ở Trung Quốc, chủ yếu ở Tiên Cư (Triết Giang), Ninh Quốc, dư huyện (An Huy), tỉnh Phúc Kiến, Tứ Xuyên, Ư Thế (Xương Hóa),… Hiện nay, thảo dược này đã được di thực vào Việt Nam

• Ở nước ta có thể trồng được cả ở miền núi cao lạnh và đồng bằng thấp, nóng, Nơi cao lạnh chủ yếu nhân và giữ giống, đồng bằng thu lấy củ. Trồng bạch truật tại miền núi cao lạnh phải 2-3 năm sau mới thu hoạch được củ. Trồng ở đồng bằng, thời gian thu hoạch có thể rút xuống còn 10-12 tháng. Vào tháng 10 âm lịch thì đào lấy thân rễ (khi nào thấy lá ở gốc cây bắt đầu úa vàng thì đào). Khi thu hoạch nên lựa ngày nắng ráo, đất khô. Nhổ từng cây nhẹ nhàng, lấy dao cắt bỏ thân, chỉ lấy rễ củ. Sau khi rửa sạch, cắt bỏ rễ con, rồi sấy khô thì gọi là hồng truật hay bạch truật.

Bộ phận dùng: .

• Dùng phần rễ cứng chắc để làm dược liệu

Công dụng của Bạch truật:

• Đông y coi bạch truật là một vị thuốc bổ bồi dưỡng, chủ yếu bổ tì, kiện vị, hoá thấp, chỉ tả (cầm đi ngoài), chữa sốt, an thai, bổ máu, dùng trong các trường hợp sốt, ra mồ hôi, phù thũng, viêm ruột mãn tính

• Theo tài liệu cổ bạch truật có tác dụng kiện vị, hoà trung, táo thấp, hoá đờm, lợi tiểu, làm hết mồ hôi, an thai. Chữa tỳ hư trướng mãn, hung cách phiền muộn, tiết tả, thuỷ thũng, đàm ẩm, trị hãn (mồ hôi trộm), thai khí không yên. Phần âm hư lại táo kết không dùng được

Tính vị:

• Vị ngọt, đắng tính hơi ôn

Tác dụng dược lý: 

• Tác dụng bổ ích cường tráng: Thuốc có khả năng tăng trọng lượng, tăng khả năng thực bào của hệ thống tế bào lưới, tăng sức bơi lội, cải thiện chức năng miễn dịch của tế bào, tăng bạch cầu và bảo vệ gan, tăng cao IgG trong huyết thanh, tăng tổng hợp protein ở ruột non trên chuột thực nghiệm (theo Trung Dược Ứng Dụng Lâm Sàng).

• Tác dụng chống loét: Nước sắc từ bạch truật có khả năng bảo vệ gan, dự phòng giảm sút Glycopen ở gan (theo Trung Dược Học).

• Tác dụng đối với máu: Nước sắc và cồn bạch truật đều có khả năng giãn mạch máu, chống đông máu (theo Trung Dược Học).

• Tác dụng lợi niệu: Bạch truật có tác dụng ức chế tiểu quản thận tái hấp thu nước và tăng bài tiết natri, do đó có tác dụng lợi niệu rõ ràng và kéo dài. Tuy nhiên tác dụng này cần được nghiên cứu thêm (theo Trung Dược Học).

• Tác dụng đến đường ruột: Sử dụng thuốc đối với ruột cô lập của thỏ nhận thấy, khi ruột ở trạng thái hưng phấn thì thuốc có tác dụng ức chế. Ngược lại khi ruột đang bị ức chế, thuốc có khả năng hưng phấn. Do đó bạch truật có thể chữa được tiêu chảy và táo bón (theo Trung Dược Học).

• Tác dụng hạ đường huyết: Glucosid kali artactylate được chiết xuất từ bạch truật tác dụng chọn lọc lên đường huyết. Trước tiên thành phần này khiến huyết áp tăng, sau đó hạ đường huyết quá mức dẫn đến tình trạng co giật (theo Trung Dược Học).

• Tác dụng an thần: Dùng liều nhỏ tinh dầu bạch truật lên súc vật thực nghiệm nhận thấy có tác dụng an thần (theo Trung Dược Học).

• Tác dụng chống loét bao tử: Bạch truật có khả năng ức chế đối với loét do nhịn đói, loét Shay (loét do thắt môn vị khiến dịch vị ứ trệ, đồng thời gây thiếu máu nguồn gốc thần kinh thực vật). Tuy nhiên bạch truật không có tác dụng đối với loét do histamin (theo Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).

• Tác dụng chống ung thư: Tinh dầu bạch truật có tác dụng chống ung thư đối với súc vật thực nghiệm (theo Học Báo Dược Học 1963).

• Tác động đến hoạt động tiết dịch vị: Bạch truật làm giảm rõ rệt lượng dịch vị nhưng không ảnh hưởng đến axit của dịch vị (theo Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).

• Tác dụng đối với chức năng gan: Bạch truật không ảnh hưởng đến khả năng phân hủy và thải trừ chất màu của gan (theo Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).

• Tác dụng kháng viêm: Rễ của bạch truật có hoạt tính chống ung thư và chống siêu vi khuẩn trong thí nghiệm in vitro (theo Trung Dược Học).

• Thảo dược này không ảnh hưởng đến chức năng bài tiết ure của thận, đồng thời không ảnh hưởng đối với thành phần các protein trong huyết thanh (theo Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).

• Bạch truật có khả năng ức chế đối với một số vi khuẩn gây bệnh ngoài da (theo Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).

• Dùng bạch truật dài ngày trên súc vật thực nghiệm nhận thấy không có phản ứng phụ hay có độc tính (theo Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam)

Liều dùng:

• Ngày dùng 6-12g dưới dạng thuốc sắc