Tên khoa học:
Aloe vera L.
Tên khác:
Lô hội; Chân Lô Hội; Dương Lô Hội; Lô Khoái; Nội Hội; Nột Hôi; Quỷ Đan; Tượng Hội; Tượng Đởm; Lưỡi Hổ; Hổ Thiệt; Nha Đam
Họ thực vật:
Asphodelaceae (họ Lô hội).
Nơi bảo tồn:
Trung Tâm Bảo Tồn Dược Liệu Mộc Châu – Viện Nghiên Cứu, Bảo Tồn và Phát Triển Cây Thuốc Việt.
Mô tả, phân bố:
- Mô tả: Lô hội là một loài cây thân ngắn, hóa gỗ, to thô. Lá Lô hội mọc thành vành rất sít nhau, không cuống, phiến lá dày, hình 3 cạnh, rộng 5 – 10cm, dài 30 – 50cm, dày 1 – 2cm ở phía cuống. Mép lá dày và có răng cưa thưa và thô cứng. Cụm hoa Lô hội mọc thành chùm dài khoảng 1m, mang hoa màu vàng xanh lục nhạt dài 3 – 4cm. Lúc đầu hoa mọc đứng, sau đó rũ xuống. Quả Lô hội nang, hình trứng thuôn, lúc đầu xanh sau chuyển thành màu nâu và dai.
- Phân bố: Lô hội phân bố chủ yếu ở vùng phía đông châu Phi, cực nam châu Á, Ấn Độ và Châu Mỹ. Lô hội dùng để làm thuốc trong Đông Y và Tây y ở nước ta chủ yếu được nhập từ nước ngoài (thường từ Pháp hoặc Trung Quốc). Ở Việt Nam, Lô hội mọc hoang ở bờ biển các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận (Phan Rang, Phan Rí và ở miền Bắc (nhưng ít hơn).
Bộ phận dùng, thu hái:
- Chất dịch đã cô đặc và sấy khô, lấy từ lá cây Lô hội.
Công dụng, cách dùng:
Công dụng:
Theo y học cổ truyền
Lô hội có vị đắng, tính hàn, quy vào 4 kinh: Can tỳ, vị đại tràng.
Tác dụng thanh nhiệt, thông đại tiện, làm mát gan, nhuận tràng và tẩy. Lô hội được dùng để chữa cam tích ở trẻ em, táo bón, kinh giản.
Theo y học hiện đại
Liều nhỏ (0,05 – 0,1g)
Lô hội kích thích nhẹ niêm mạc một và thúc đẩy tống xuất cặn bã ở lâu trong ruột. Vì vậy đây là một vị thuốc bổ và hỗ trợ tiêu hóa.
Liều cao
Ở liều này, Lô hội có tác dụng tẩy mạnh nhưng chậm, thường xuất hiện sau 10 – 15 giờ, làm phân mềm nhão, không lỏng, đôi khi hơi đau bụng. Lô hội gây sung huyết ở các nội tạng trong khoang bụng, nhất là ở ruột già; vì vậy, không được dùng cho phụ nữ có thai và người lòi dom. Ngoài ra, còn có thể dùng Lô hội với liều này để chữa những sung huyết phổi, sung huyết các phủ tạng và bệnh nhức đầu khó chữa.
Lô hội còn có tác dụng thông mật (cholagogue). Để thuốc cho tác dụng mau hơn, có thể phối hợp với mật bò khi dùng.
Tuy nhiên, ở liều lượng quá cao (trên 8g), Lô hội có thể ngộ độc chết người (hạ thân nhiệt, mạch chậm, phân nhiều, yếu toàn thân).
Thuốc gel lô hội
Gel điều chế từ các tế bào nhu mô lá tươi của cây Lô hội có tác dụng chống viêm và làm lành vết thương.
Cách dùng:
Liều dùng hàng ngày dưới dạng thuốc viên hay dịch:
-
Giúp tiêu hoá: 1g.
-
Nhuận tẩy: 0,15 – 2g.
Lưu ý:
-
Vì Lô hội có tác dụng tẩy xổ mạnh nên cần phải giảm liều hoặc ngưng thuốc nếu bệnh nhân bị tiêu chảy. Đồng thời, người đang bị tiêu chảy cũng không nên dùng.
-
Thận trọng khi dùng Lô hội cho người cao tuổi.
-
Không được dùng thuốc này cho phụ nữ có thai và người tỳ vị hư nhược.