Trụ sở chính: 46 Tăng Bạt Hổ, Hai Bà Trưng, Hà Nội | Chi nhánh: 11/23 Đankia, Phường 7, TP. Đà Lạt | Liên hệ: 0914.789.868

Cây trắc bách diệp – Mô tả, công dụng, cách dùng

Tên khoa học:

Thuja orientalis L.

Tên khác:

Bá tử nhân

Họ thực vật:

Trắc bách (Cupressaceae)

Nơi Bảo Tồn:

Trung Tâm Bảo Tồn Dược Liệu Mộc Châu – Viện Nghiên Cứu, Bảo Tồn và Phát Triển Cây Thuốc Việt.

Cây trắc bách diệp: Đặc điểm, công dụng và ý nghĩa phong thủy

Mô tả, phân bố

  • Mô tả: Cây trắc bách diệp là cây nhỏ, cao vài mét, phân nhánh nhiều. Tán lá hình tháp. Thân hơi vặn vẹo, có vỏ màu đen hoặc nâu đỏ, nứt nẻ. Các cạnh dẹt mang lá xếp thành những mặt phẳng đứng, song song với thân rất đặc sắc. Lá mọc đối, hình vảy, dẹt, ở cả hai mặt đều có màu lục sẫm.Hoa đơn tính cùng gốc. Hoa đực ở đầu cành nhỏ, hình đuôi sóc. Hoa cái mọc ở gốc cành nhỏ, hình nón tròn, khi thành quả có đường kính khoảng từ 1.5 đến 2cm, gần hình cầu hoặc hình trứng, bao bọc bởi nhiều lớp vảy dẹp màu lục pha lơ nhạt, mỏ quạp ra phía ngoài, chứa 2 hạt. Hạt có vỏ ngoài cứng nhẵn, hình trứng.

    Mùa hoa quả: Tháng 3 – 9.

  • Phân bố: Cây trắc bách diệp là một cây trồng phổ biến, tuy nhiên nguồn gốc và thời điểm nhập nội chưa được xác định rõ ràng. Thường được trồng làm cây cảnh trong đình chùa, công viên hoặc sân vườn gia đình, chúng ưa thích khí hậu ẩm mát. Tuy nhiên, do quá trình trồng trọt kéo dài, cây đã thích nghi với cả vùng có khí hậu nóng và ẩm ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ.Cây trắc bách diệp là loại cây thường xanh, nón sinh sản xuất hiện vào cuối mùa xuân và có thể thu hoạch hạt già vào cuối mùa thu. Tuy tỷ lệ nảy mầm từ hạt rất thấp, cây có khả năng tái sinh tự nhiên chủ yếu thông qua hạt. Gần đây, nhờ sử dụng chất kích thích rễ, việc trồng cây trắc bách diệp trở nên tương đối dễ dàng.

Bộ phận dùng, thu hái:

  • Bộ phận dùng: cành mang lá và quả
  • Thu hái: Lá cây trắc bách diệp: Thu hái quanh năm, tốt nhất là vào tháng 9 đến tháng 11. Hái cả cành, loại bỏ cành to, đem phơi khô trong râm; Nhân hạt cây trắc bách diệp: Thu hái vào mùa đông, khi hạt già, hái quả đem phơi khô, xát bỏ vỏ ngoài lấy nhân rồi lại đem phơi trong râm cho thật khô.

Công dụng, cách dùng:

Theo y học cổ truyền

  • Theo Đông y, trắc bách diệp (cành non và lá) có vị đắng, chát, hơi hàn, vào ba kinh: Phế, Can, Đại trường, có tác dụng lương huyết, cầm máu, trừ thấp nhiệt. Trắc bách diệp được dùng chữa ho ra máu, đại tiểu tiện ra máu, chảy máu cam, tử cung xuất huyết, rong kinh. Còn dùng làm thuốc lợi tiểu, chữa ho, sốt.
  • Bá tử nhân (hạt của cây trắc bách diệp) có vị ngọt, tính bình, vào hai kinh: Tâm và Tỳ, có tác dụng bổ Tâm, Tỳ, định thần, chỉ hãn, nhuận táo, thông tiện. Bá tử nhân được dùng chữa hồi hộp, mất ngủ, hay quên, người yếu ra nhiều mồ hôi, táo bón, kinh giản, trẻ con khóc đêm, bụng đầy, đi ngoài phân xanh.

Theo y học hiện đại

  • Kháng khuẩn

Các loài thực vật và tinh dầu của chúng là nguồn cung cấp các hợp chất kháng khuẩn tiềm năng. Cây trắc bách diệp chứa một lượng lớn ba chất (alpha, beta và gamma thujaplicin) ở nồng độ thấp sẽ đóng vai trò là chất chelat cho Salmonella typhimurium. Trắc bách diệp rất hiệu quả trong việc ức chế sự phát triển của các tuýp huyết thanh c và d của Solmonella mutans (MIC nhỏ hơn hoặc bằng 2.0 – 7,8mg/ml).

  • Kháng virus

Thành phần hóa học của tinh dầu cây trắc bách diệp được xác định bằng phân tích GC/MS. Tinh dầu đã được đánh giá về hoạt tính ức chế chống lại hội chứng hô hấp cấp tính nặng do virus Corona (SARS-Coronavirus) và virus Herpes Simplex tuýp 1 (HSV-1) sao chép trong ống nghiệm bằng cách chấm điểm trực quan về tác dụng gây bệnh tế bào do virus gây ra sau nhiễm trùng

  • Chống viêm

Nghiên cứu vào năm 2013 của Tae-Hee Kim và cộng sự đã chứng minh rằng labdane diterpene mới từ cây trắc bách diệp ức chế phản ứng viêm bằng cách ức chế hoạt động của NF-κB và quá trình phosphoryl hóa ERK. Hợp chất này có thể là ứng cử viên sáng giá cho việc phát triển các loại thuốc chống viêm.

 

  • Cách dùng:

Liều dùng hàng ngày: 6 – 12g đối với trắc bách diệp (lá), 4 – 12g đối với bá tử nhân.

Trắc bách diệp sao đen 10 – 20g sắc uống làm thuốc cầm máu. Phối hợp với lá ngải cứu, vỏ cam hoặc buồng cau điếc và bạc hà chữa băng huyết, rong huyết; với lá huyết dụ, thài lài tía, rễ rẻ quạt chữa ho ra máu; với lá sen, ngó sen, sinh địa, ngải cứu chữa nôn ra máu, chảy máu cam. Liều lượng của những vị dùng phối hợp là 8 – 16g.

Để chữa ho, lấy trắc bách diệp sao, sắc uống cùng rễ chanh, hoặc tầm gửi cây dâu với liều lượng bằng nhau. Dùng ngoài, trắc bách diệp tươi rửa sạch, nhai với muối, ngậm chữa đau nhức răng, sâu răng. Trắc bách diệp phơi khô phối hợp với rễ cây vừng đen, nấu cao đặc, bôi hàng ngày làm thuốc mọc tóc. Bá tử nhân có thể sắc uống cùng với nhân hạt táo, hạt sen, long nhãn (liều lượng bằng nhau) làm thuốc an thần, nhuận táo.

Trong y học Trung Quốc, bá tử nhân được dùng uống làm thuốc bổ, long đờm trị viêm phế quản và hen phế quản. Lá còn được dùng làm săn và cầm máu, trong ho ra máu, xuất huyết tiêu hoá, tử cung và lỵ. Nhựa thân cây trắc bách diệp trộn với nhựa thông đắp để tiêu u. Trong y học Ấn Độ, những nhánh nhỏ của cây trắc bách diệp là thuốc kích ứng tại chỗ. Khi giã nát cành cây, dịch từ cành gây ban trên bàn tay và mặt. Tinh dầu từ lá được dùng làm thuốc bổ, lợi tiểu và hạ sốt.

 

0914 789 868
icons8-exercise-96 chat-active-icon