Tên khoa học:
Mentha arvensis L. (Bạc hà nam), Mentha piperita L. (Bạc hà cay), Mentha rotundifolia L. (Bạc hà lá tròn), Mentha spicata L. (Bạc hà lục)
Tên khác:
Dọc mùng hay Bạc hà nam, Bạc hà cay (còn gọi là Bạc hà u), Bạc hà lá tròn và Bạc hà lục.
Họ thực vật:
Hoa môi (Lamiaceae).
Nơi bảo tồn:
Trung Tâm Bảo Tồn Dược Liệu Mộc Châu – Viện Nghiên Cứu, Bảo Tồn và Phát Triển Cây Thuốc Việt.
Mô tả, phân bố:
- Mô tả: Cây mọc thành đám với nhiều chồi non mọc ngầm, khí sinh cùng với thân thảo nhẹ, xốp, có tiết diện vuông, đường kính 0,15-0,3cm. Cây có chiều cao 0,3-0,7m, đôi khi lên tới 1m, phân thành nhiều nhánh. Thân cây chia thành nhiều đốt, các đốt cách nhau 3-7cm, màu nâu tía hoặc xanh xám. Mặt cắt ngang thân có màu trắng, ở các thân già có thể bị rỗng ở giữa. Lá mọc đối, thuôn hoặc hình mũi giáo, dài 4-6cm, rộng 1,5-2,5cm, có màu xanh lục hoặc lục pha hồng tía, đầu lá thuôn nhọn hoặc hơi tù, mép lá có răng cưa. Cuống lá dài 0,5-1,5cm. Hoa mọc thành bông dày liên tục hoặc bị ngắt quãng, cụm hoa mọc ở nách lá, gồm nhiều hoa nhỏ, màu trắng hồng, hoặc tím hồng. Thân và lá có nhiều lông tơ bao phủ và có mùi thơm. Có thể trồng quanh năm bằng thân cây, tuy nhiên trồng vào mùa xuân cho năng suất cao nhất, mùa hoa tháng 6-9, mùa quả tháng 10-11.
- Phân bố: Bạc hà được du nhập từ châu Âu vào nước ta, phân bố rộng rãi khắp các tỉnh thành, từ Sơn La, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hà Nội vào Sài Gòn, Cà Mau.
Bộ phận dùng, thu hái:
- Bộ phận dùng: Bộ phận trên mặt đất, lá để lấy tinh dầu bạc hà, menthol chiết tách từ tinh dầu.
- Thu hái: Sau khi cây vừa ra hoa hoặc bắt đầu phân nhánh, thời tiết khô ráo, sau khi loại bỏ tạp chất được phơi hoặc sấy nhẹ tới khô, lá khô dễ vụn nát. Dược liệu có mùi thơm dễ chịu, muốn thu tinh dầu thì dùng lá tươi hoặc hơi héo.
Công dụng, cách dùng:
Theo y học cổ truyền
Bạc hà có vị cay, mát không độc, vào 2 kinh phế và can, có tác dụng trừ phong nhiệt, ra mồ hôi, giảm uất, làm thuốc thanh lương dùng chữa cảm mạo phong nhiệt, đau đầu, viêm kết mạc mắt, viêm mũi, ngạt mũi, đau sưng họng, đậu sởi, mề đay, ban chẩn.
Theo y học hiện đại
- Trong điều trị đau dây thần kinh và chống say tàu xe
Khi dùng tại chỗ, tinh dầu bạc hà tạo cảm giác mát và tê tại chỗ, giảm đau dây thần kinh, ngoài ra còn dùng làm thuốc sát trùng, xoa bóp nơi sưng đau (xương khớp, thái dương khi nhức đầu). Uống trà bạc hà nóng có tác dụng giảm nôn trong say tàu xe.
- Trong điều trị ngứa và làm sạch xoang mũi
Bạc hà có tác dụng sát trùng mạnh thường giúp giảm ngứa trong các bệnh ngoài da, khi xông trực tiếp giúp làm sạch và thông xoang mũi.
- Trong điều trị sốt
Tinh dầu bạc hà hay mentol uống với liều rất nhỏ có thể gây hưng phấn, tăng bài tiết mồ hôi, làm giảm thân nhiệt chữa cảm sốt, cảm mạo, mũi ngạt, nhức đầu.
- Trong điều trị hôi miệng, căng thẳng
Nhai vài lá bạc hà hoặc uống trà bạc hà sau ăn sẽ giúp khử mùi hiệu quả.
Uống trà bạc hà vào ban đêm sẽ khiến bạn giảm stress và dễ ngủ.
Cách dùng:
Liều dùng lá và toàn cây: Ngày uống từ 4 đến 8g dưới dạng thuốc pha.
Tinh dầu và mentola: Một liều 0,02 đến 0,2 ml, một ngày 0,06 đến 0,6 ml.
Còn dùng dưới hình thức cồn bạc hà (lá bạc hà 50g, tinh dầu bạc hà 50g, cồn vừa đủ 1 lít), ngày dùng nhiều lần, mỗi lần từ 5 đến 10 hay 15 giọt, cho vào nước nóng mà uống.
Lưu ý:
Thuốc không được đun sôi lâu, nếu là nước sắc, vì Bạc hà phải cho vào sau.
Không dùng cho trường hợp biểu hư ra mồ hôi nhiều.
Tinh dầu bạc hà và mentola bôi mũi hay bối trong cổ họng có thể gây hiện tượng ức chế có thể tới ngừng thở và tim ngừng đập hoàn toàn. Hiện tượng này hay xảy ra nhất là đối với trẻ con ít tuổi. Người ta đã nhận xét thấy một số trường hợp chết do nhỏ mũi 1 giọt dầu mentola 1% hoặc bôi vào niêm mạc mũi một ít thuốc mở có mentola. Do đó chúng ta cần hết sức thận trọng khi dùng tinh dầu hạc hà hay dầu cù là cho trẻ con ít tuổi, nhất là trẻ con mới đẻ.