Tên khoa học:
Angelica sinensis (Oliv.) Diels
Tên khác:
Tần quy, tan quy, vân quy
Họ thực vật:
Cần (Apiaceae).
Nơi Bảo Tồn:
Trung Tâm Bảo Tồn Dược Liệu Mộc Châu – Viện Nghiên Cứu, Bảo Tồn và Phát Triển Cây Thuốc Việt.
Mô tả, phân bố
- Mô tả: Cây: Cây thảo sống nhiều năm, cao 40-60cm. Rễ rất phát triển. Thân hình trụ, có rãnh dọc màu tím. Lá mọc so le, xẻ lông chim 3 lần; cuống dài 3-12cm, có bẹ to ôm thân; lá chét phía dưới có cuống, các lá chét ở ngọn không cuống, chóp nhọn, mép khía răng không đều. Cụm hoa tán kép gồm 12-36 tán nhỏ dài ngắn không đều; hoa nhỏ màu trắng hay lục nhạt. Quả bế, dẹt, có rìa màu tím nhạt. Mùa hoa quả tháng 7-9. Dược liệu: Rễ dài 10 – 20 cm, gồm nhiều nhánh, thường phân biệt 3 phần: Phần đầu gọi là quy đầu, phần giữa gọi là quy thân, phần dưới gọi là quy vĩ. Đường kính quy đầu 1,0 – 3,5 cm, đường kính quy thân và quy vĩ 0,3 – 1,0 cm. Mặt ngoài màu nâu nhạt, có nhiều nếp nhăn dọc. Mặt cắt ngang màu vàng ngà, có vân tròn và nhiều điểm tinh dầu. Mùi thơm đặc biệt. Vị ngọt, cay và hơi đắng.
- Phân bố: Loài cây của Trung Quốc phát triển ở vùng cao 2000-3000m, nơi khí hậu ẩm mát. Việt Nam nhập trồng vào đầu những năm 60 hiện nay phát triển trồng ở Sapa (Lào Cai). Ngọc Lĩnh (Kontum), Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc) và Đà Lạt (Lâm Đồng).
Bộ phận dùng, thu hái:
- Bộ phận dùng: Củ, Rễ đã phơi hay sấy khô
- Thu hái: Thu hái sau 3 năm. Đào củ vào mùa thu, cắt bỏ rễ con, phơi trong râm hoặc sấy bằng lửa nhẹ đến khô. Khi dùng bào chế như sau: Rửa qua rễ bằng rượu hoặc rửa nhanh bằng nước. Ủ một đêm cho mềm, bào mỏng 1mm. Nếu muốn để lâu, rửa bằng nước và muối; sau đó sấy nhẹ qua lưu huỳnh.
Công dụng, cách dùng:
Công dụng
- Đương quy được dùng chữa thiếu máu xanh xao, cơ thể gầy yếu, mệt mỏi, đau lưng, đau ngực bụng, viêm khớp, chân tay đau nhức lạnh, tê bại, đại tiện táo bón, mụn nhọt lở ngứa, tổn thương ứ huyết, kinh nguyệt không đều, bế kinh, đau bụng kinh.
- Còn được dùng trị cao huyết áp, ung thư và làm thuốc giảm đau, chống co giật, làm ra mồ hôi, kích thích ăn ngon cơm.
Cách dùng
- Ngày 10-20g dạng thuốc sắc.
Lưu ý
Dùng cẩn thận trong trường hợp âm hư nội nhiệt, tiêu chảy.