Tên khoa học:
Eclipta prostrata
Tên khác:
Cỏ mực, mặc hán liên hoặc hạn liên thảo
Họ thực vật:
Cúc (Asteraceae).
Nơi bảo tồn:
Trung Tâm Bảo Tồn Dược Liệu Mộc Châu – Viện Nghiên Cứu, Bảo Tồn và Phát Triển Cây Thuốc Việt.
Mô tả, phân bố:
- Mô tả: Cây thảo 1 năm cao 10-60cm, có thân màu lục, đôi khi hơi đỏ tím, có lông. Lá mọc đối, hẹp, dài 3-10cm, rộng 0,5-2,5cm, có lông ở cả hai mặt, mép khía răng. Hoa màu trắng, tập hợp thành đầu ở nách lá hoặc đầu cành, các hoa cái hình lưỡi ở ngoài, các hoa lưỡng tính hình ống ở giữa. Quả bế dẹt, có 3 cạnh có cánh dài 3mm. Cây ra hoa tháng 7-9, quả tháng 9-10.
- Phân bố: Cây cỏ mực được tìm thấy nhiều ở một số nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam, Pakistan và một số nước khác thuộc vùng Nam Á. Ở mỗi nước, loại cây cỏ hàng năm này được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau.
Bộ phận dùng, thu hái:
- Bộ phận dùng: Toàn cây, dùng tươi (giã, ép lấy nước) hoặc khô.
- Thu hái: Đây là loài cây được thu hái quanh năm.
Công dụng, cách dùng:
Công dụng:
Theo y học cổ truyền
Tính vị theo tài liệu có: Vị ngọt, chua, tác dụng bổ thận âm, tính lương vào hai kinh can và thận, chỉ huyết lỵ. Dùng chữa can thận âm kém, lỵ và đi tiêu ra máu, làm đen râu tóc.
Nhân dân vẫn dùng cây Cỏ mực giã ra rồi vắt lấy nước uống để cầm máu trong rong kinh, bị thương chảy máu, trĩ ra máu. Ngoài ra còn dùng chữa ho hen, ho lao, viêm họng, ngày dùng từ 6 đến 12g dưới dạng sắc uống hay làm thành viên mà uống. Những người thợ nề chữa bệnh bỏng rát do vôi bằng cách dùng cỏ nhọ nồi để xoa tay. Có người dùng chữa bệnh nấm ở ngoài da, nhuộm tóc, làm thuốc mọc tóc (sắc uống hoặc ngâm vào dầu dừa mà bôi), bôi lên những chỗ chóc ở da thịt để có màu tím đen.
Theo y học hiện đại
Về tác dụng cầm máu:
Nước sắc Cỏ mực khô với liều 3g/kg thể trọng trên khỉ làm tăng tỷ lệ prothrombin toàn phần dẫn đến tác dụng làm giảm thời gian quick rõ rệt. Nhọ nồi có tác dụng chống lại tác dụng của dicuramin như vitamin K.
Cỏ mực làm tăng trương lực của tử cung cô lập. Trường hợp chảy máu tử cung, nếu dùng Cỏ mực có thể làm nén thành tử cung, làm tăng prothrombin. Góp phần hỗ trợ việc chống chảy máu.
Đối với thỏ mang thai có thể gây sẩy thai.
Cỏ mực không gây tăng huyết áp và không làm giãn mạch.
Liều dùng và cách dùng:
Ngày dùng 12 – 20g dưới dạng thuốc sắc hoặc viên. Dược liệu tươi có thể dùng ngoài với lượng thích hợp.
Cỏ mực sử dụng tươi hay giã lấy nước uống hoặc có thể sao cháy đen với liều 15 – 30g sắc uống. Có thể phối hợp với Ngó sen, lá Trắc bá hoặc sử dụng riêng. Trong trường hợp sát trùng giã tươi lấy nước uống, bã đắp hoặc dùng sắc uống. Có thể dùng tươi xoa tay chữa rát do vôi, trị bệnh nấm ngoài da và nhuộm tóc màu tím đen.
Lưu ý
Tỳ vị hư hàn, ỉa chảy phân sống không nên dùng.