Tên khoa học:
Kaempferia parviflora
Tên khác:
Ngải tím, ngải đen
Họ thực vật:
Gừng (Zingiberaceae).
Nơi bảo tồn:
Trung Tâm Bảo Tồn Dược Liệu Mộc Châu – Viện Nghiên Cứu, Bảo Tồn và Phát Triển Cây Thuốc Việt.
Mô tả, phân bố:
- Mô tả: Đây là loại thực vật thân thảo, thuộc họ gừng, có rất nhiều điểm tương đồng với gừng thông thường. Lá cây gừng đen to và cao khoảng 0,3 đến 0,5m, dạng trứng nhọn ở đầu khác hoàn toàn lá gừng ta. Hoa của cây gừng đen là những cụm màu trắng hoặc tím rất đẹp mắt. Bên ngoài, củ gừng đen có vỏ nâu khá giống với loại gừng thông thường chúng ta thường dùng. Tuy nhiên, củ gừng đen kích cỡ thường không lớn bằng, bên trong ruột màu tím đen chứ không phải màu vàng. Gừng đen có vị cay nồng và hơi đắng.
- Phân bố: Ở nước ta, gừng đen phân bố tự nhiên ở các tỉnh Tây Bắc hoặc Tây Nguyên. Ngày nay, gừng đen được nhân trồng rộng rãi khắp nơi để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao của người dùng. Từ xa xưa, gừng đen đã được sử dụng như một vị thuốc trong y học cổ truyền.
Bộ phận dùng, thu hái:
- Bộ phận dùng: Cả củ (thân rễ) và lá của cây gừng
- Thu hái: Mùa thu hoạch gừng đen kéo dài trong 6 tháng, bắt đầu từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau.
Công dụng, cách dùng:
Công dụng:
Gừng đen có tác dụng gì? Những công dụng của loại gừng này đối với sức khỏe được cả Đông y và Tây y công nhận. Có thể kể đến những tác dụng nổi bật của gừng đen như:
Tăng cường chức năng sinh lý nam giới
Các nghiên cứu chỉ ra chiết xuất gừng đen có tác dụng trong việc điều trị chứng rối loạn cương dương. So với việc dùng các loại thuốc hay thực phẩm chức năng, dùng gừng đen không mang đến tác dụng phụ nên nam giới cảm thấy yên tâm hơn trong quá trình sử dụng.
Giúp phòng và chữa bệnh vẩy nến
Trong chiết xuất gừng đen có chứa methoxy luteolin có tác dụng giúp các tế bào mast được giải phóng để ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm các tế bào và loại bỏ các thành phần protein có liên quan đến hình thành bệnh vảy nến. Chúng ta có thể dùng gừng đen để phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh vảy nến.
Làm chậm quá trình lão hóa
Trong gừng đen có hàm lượng chất chống oxy hóa dồi dào và mạnh mẽ. Các chất chống oxy hóa này có tác dụng bảo vệ các tế bào khỏi quá trình oxy hóa và sự tấn công của các gốc tự do. Nhờ đó nó giúp làm chậm quá trình lão hóa của các tế bào trên cơ thể.
Hỗ trợ tốt cho bệnh nhân tiểu đường
Gừng đen có tác dụng gì? Đây là một vị thuốc hỗ trợ kiểm soát đường huyết, tốt cho bệnh nhân tiểu đường. Ngoài công dụng làm hạ đường huyết, gừng đen giúp tăng độ nhạy của insulin, giúp chuyển hóa đường hiệu quả và giảm hàm lượng đường trong máu. Điều này giúp làm chậm quá trình diễn tiến của bệnh, giảm nguy cơ biến chứng tiểu đường.
Cung cấp năng lượng cho cơ thể
Gừng đen tăng cường hình thành và sản sinh năng lượng cơ thể bằng cách kích thích AMPK, protein kinase hoặc AMP, kích hoạt các mô mỡ nâu hoặc BAT. Không những giúp cơ thể khỏe mạnh, trí óc minh mẫn, điều này còn giúp đốt cháy calo, hạn chế tích tụ mỡ hiệu quả. Đây là cách mà gừng đen giúp chúng ta kiểm soát vóc dáng trong khi vẫn luôn cảm thấy đủ đầy năng lượng.
Kích thích lưu thông tuần hoàn máu
Gừng vốn có tính ấm. Gừng đen khi được sử dụng đúng cách sẽ làm các mạch máu trong cơ thể giãn nở, kích thích lưu thông tuần hoàn máu. Điều này giúp giảm nguy cơ thiếu máu não. Máu được lưu thông đều đến cơ thể giúp chúng ta có cơ thể khỏe mạnh, da dẻ hồng hào, mái tóc đen khỏe.
Ngoài những công dụng trên, gừng đen còn có tác dụng kháng khuẩn, chống nấm, hỗ trợ chữa viêm loét dạ dày. Gừng cũng tốt cho tinh thần nên nhiều nghiên cứu chứng minh gừng đen có thể hỗ trợ phòng ngừa và điều trị bệnh trầm cảm. Người dân Thái Lan còn dùng dược liệu này để chữa các bệnh tiêu chảy, kiết lỵ, hen suyễn, rong kinh ở phụ nữ,…
Chữa đau đầu, mất ngủ
Nhờ có thể kích thích lưu thông tuần hoàn máu não nên gừng đen giúp chúng ta dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn. Tinh dầu trong gừng đen có mùi thơm đặc trưng, giúp thư giãn tinh thần nên cũng hạn chế được chứng đau đầu. Cách chữa đau đầu bằng gừng đã được nhiều người áp dụng và khẳng định hiệu quả. Gừng đen trong Đông y có vị gay, tính ấm, quy vào phế, tỳ, vị. Gừng đen giúp cải thiện giấc ngủ, giúp dễ ngủ, ngủ ngon và sâu giấc hơn.
Cách dùng:
Cách đơn giản nhất là dùng gừng đen như một gia vị trong ẩm thực, dùng gừng đen nấu nước uống hàng ngày.
- Để trị vết thương, loại bỏ mủ, máu độc ở các vết mụn nhọt, chúng ta có thể giã nát gừng đen để đắp lên vị trí bị tổn thương.
- Uống nước gừng đen để giảm cảm giác ốm nghén ở bà bầu.
- Ngâm mật ong gừng đen cũng là bài thuốc chữa các bệnh về đường hô hấp hiệu nghiệm.
- Ngâm rượu gừng đen để chữa đau mỏi xương khớp hay để giảm mỡ bụng, mỡ đùi cũng là cách đang được nhiều người áp dụng.
Gừng đen có thể sử dụng cả dạng củ tươi và củ khô. Để tiện lợi, bạn có thể thái lát gừng đen, phơi khô để dùng dần. Mỗi ngày, bạn không nên dùng quá 4g gừng đen. Dù tốt cho sức khỏe, nhưng nếu dùng quá nhiều, gừng đen vẫn có thể gây tác dụng phụ như đổ nhiều mồ hôi, gây hôi nách, loạn nhịp tim,…
Lưu ý
Gừng đen có tác dụng rất tốt đối với sức khỏe người sử dụng, có thể trị được nhiều bệnh. Tuy nhiên, một số trường hợp không nên dùng gừng đen như: Người đang bị cảm mạo, cảm nắng, cơ địa nhiệt táo, nóng trong, mụn nhọt, bị viêm dạ dày, viêm gan, cao huyết áp, bệnh tim,… Gừng kỵ thịt thỏ và thịt ngựa nên bạn không nên kết hợp gừng đen với các nguyên liệu này trong cùng một bữa ăn.
Một số tác dụng phụ khi sử dụng với liều lượng nhiều, chẳng hạn như: cơ thể tăng nhiệt độ hoặc tình trạng hôi nách, đổ mồ hôi,…Hoặc một số trường hợp nguy hiểm hơn, chúng ta có thể rối loạn nhịp tim, tim đập mạnh, nhịp tim không đều. Vậy nên, khi sử dụng gừng đen, bạn chỉ dùng với một liều lượng nhất định, vừa đủ. Tốt nhất là bạn hãy lắng nghe lời khuyên và hướng dẫn của bác sĩ trước khi sử uống gừng đen.