Tên khoa học:
Lonicera japonica Thunb.
Tên khác:
Kim ngân hoa, Nhẫn đông, Chừa giang khằm (Thái), Bjooc khuyền (Tày)
Họ thực vật:
Caprifoliaceae (Cơm cháy)
Nơi bảo tồn:
Trung Tâm Bảo Tồn Dược Liệu Mộc Châu – Viện Nghiên Cứu, Bảo Tồn và Phát Triển Cây Thuốc Việt.
Mô tả, phân bố:
- Mô tả: Cây leo bằng thân quấn, cành non có lớp lông bao phủ gồm lông đơn ngắn và lông tuyến có cuống, màu hơi đỏ có vân. Lá mọc đối, hơi dày, hình mũi mác – trái xoan, dài 4-7 cm, rộng 2-4 cm, gốc tròn, đầu nhọn, nhăn trừ mặt dưới trên các gân, cuống lá dài 5-6 mm, có lông. Cụm hoa mọc ở kẽ các lá tận cùng thành xim hai hoa; lá bắc giống các lá con hình mũi mác, lá bắc con tròn có lông thưa ở mép, dài 5 răng mảnh, đôi khi không bằng nhau, có lông; tràng màu trắng sau chuyển màu vàng có lông mịn và lông tuyến ở ngoài, thơm, ống tràng dài 1,8-2 cm, môi dài 1,5-1,8 cm, nhị 5 thò ra ngoài, dính ở họng tràng, bao phấn đính lưng. Quả hình cầu, màu đen. Mùa hoa: tháng 3-5; mùa quả: tháng 6-8.
- Phân bố: Chi Lonicera L. có khoảng 10 loài ở Việt Nam, tất cả đều được dùng làm thuốc. Kim ngân có nguồn gốc ở vùng Đông Nam Á, phân bố ở Trung Quốc, Nhật Bản và Triều Tiên. Ở Việt Nam, kim ngân phân bố chủ yếu ở các vùng núi và trung du phía bắc, như Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hà Tây… Cây ưa sáng, thường mọc ở rừng thứ sinh, đồi cây bụi và rừng núi đá vôi. Gần đây, cây được trồng ở một số gia đình vừa làm cảnh vừa lấy hoa làm thuốc. Cây ra hoa quả nhiều hàng năm, tái sinh tự nhiên chủ yếu bằng hạt. Khi bị chặt phá, phần còn lại có khả năng tái sinh khoẻ.
Bộ phận dùng, thu hái:
- Hoa sắp nở (có lẫn một số hoa đã nở) đã phơi hay sấy khô (Dược điển Việt Nam II, tập 3). Thân và cành thu hái quanh năm phơi hay sấy khô.
Công dụng, cách dùng:
Theo kinh nghiệm nhân dân và trên thực tế lâm sàng, kim ngân thường được dùng riêng hay phối hợp với nhiều vị thuốc khác chữa mụn nhọt, mày đay, mẩn ngứa, ban sởi, tạ, lỵ ho do phế nhiệt. Dựa trên kết quả thực nghiệm, kim ngân đã được ứng dụng điều trị thấp khớp, viêm mũi dị ứng và bệnh dị ứng khác. Ngày dùng 4-6 g hoa hay 10 – 16 g cành lá dưới dạng thuốc sắc, hãm, cao, rượu thuốc hoặc hoàn tán. Có thể dùng riêng kim ngân hay phối hợp với nhiều vị thuốc khác.
Lưu ý:
- Một số người uống kim ngân bị ỉa lỏng, chỉ cần giảm liều hoặc nghỉ uống là hết
- Những người tỳ vị hư hàn không thực nhiệt, hoặc mồ hôi ra nhiều không nên dùng.
- Kim ngân đã được dùng từ lâu đời ở Trung Quốc như một thuốc hạ sốt, làm dễ tiêu và trị liệu. Hoa phơi khô dùng để lợi tiểu.
- Kim ngân có tác dụng cải thiện chuyển hóa chất béo trong tăng lipid máu, sau khi uống thuốc, các ester trong huyết thanh giảm. Nước cất nụ hoa kim ngân (kim ngân hoa lệ) được dùng tiêm để điều trị bệnh nhiễm khuẩn.