Tên khoa học:
Chrysanthemum indicum L.
Tên khác:
Kim cúc, Hoàng cúc, Cam cúc
Họ thực vật:
Cúc (Asteraceae).
Nơi bảo tồn:
Trung Tâm Bảo Tồn Dược Liệu Mộc Châu – Viện Nghiên Cứu, Bảo Tồn và Phát Triển Cây Thuốc Việt.
Mô tả, phân bố:
- Mô tả: Cây Cúc hoa vàng là cây thân thảo, cao 0,25–1m, có thân rễ mọc dài hoặc ngắn; thân mọc thẳng hoặc mọc lan tỏa, phân nhánh, có lông thưa. Các lá phía dưới khô héo khi ra hoa; các lá ở thân giữa hình trứng, hình trứng dài hoặc hình elip, mọc so le, cả hai bề mặt đều có màu xanh nhạt hoặc màu ô liu, có lông tơ thưa thớt ở dọc trục, dạng lông chim, có thùy lông chim, hoặc phân chia không rõ ràng, gốc cụt, hơi hình dây hoặc hình nêm rộng; mép có răng thưa, không cuống. Cụm hoa hình đầu mọc ở nách lá hoặc ngọn cành, đường kính 1-1,5cm, cuống dài 2,5cm. Lá bắc có 3-4 hàng, lá ngoài hình trứng hoặc hình tam giác, lá giữa hình trứng, lá trong hình elip hẹp; phiến hoa dạng tia màu vàng, dài 1–1,3 cm, đỉnh nguyên hoặc có 3 răng cưa. Các hoa vòng ngoài hình lưỡi, các hoa vòng trong hình ống. Quả bế không có mào lông.
- Phân bố: Cúc hoa vàng có nguồn gốc từ Ấn Độ, được tìm thấy ở nhiều vùng đồng bằng và trung du miền núi Bắc Bộ tới các tỉnh miền trung và Tây Nguyên. Ngoài ra còn gặp ở nhiều nước khác.
Bộ phận dùng, thu hái:
- Bộ phận dùng: Cụm hoa.
- Thu hái: thu hái vào mùa thu đông, khi trời khô ráo, đem hoa sau khi hái xông với Lưu Huỳnh, nén chặt khoảng một đêm, phơi ép tới héo, loại bỏ nước đen rồi phơi hoặc sấy ở 40 – 50 độ C tới khô.
Công dụng, cách dùng:
Theo y học cổ truyền
Hoa cúc vàng có tính hơi hàn, mùi thơm, vị đắng, cay, quy vào kinh phế, thận, can, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, minh mục, giáng áp.
Trong đông y, Hoa cúc vàng được dùng trong:
- Phòng cảm lạnh, cúm, viêm não.
- Viêm mủ da, viêm vú.
- Hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, huyết áp cao.
- Đau mắt đỏ, chảy nhiều nước mắt.
- Viêm gan, kiết lỵ.
- Dùng ngoài trị đinh nhọt, rắn cắn, chấn thương bầm dập.
Công dụng:
Liều lượng mỗi ngày từ 8 – 12g có thể đến 30g ở dạng thuốc sắc hay thuốc bột.