Trụ sở chính: 46 Tăng Bạt Hổ, Hai Bà Trưng, Hà Nội | Chi nhánh: 11/23 Đankia, Phường 7, TP. Đà Lạt | Liên hệ: 0914.789.868

Cây dừa cạn – Mô tả, công dụng, cách dùng

Tên khoa học:

Catharanthus roseus L.

Tên khác:

Cây dương giác; bông dừa; hoa hải đằng; trường xuân.

Họ thực vật:

Trúc đào (Apocynaceae)

Nơi Bảo Tồn:

Trung Tâm Bảo Tồn Dược Liệu Mộc Châu – Viện Nghiên Cứu, Bảo Tồn và Phát Triển Cây Thuốc Việt.

Bài thuốc chữa bệnh từ cây dừa cạn | Báo Dân tộc và Phát triển

Mô tả, phân bố

  • Mô tả: Dừa cạn là cây thảo, sống nhiều năm, cao 40 – 80cm, cành vươn thẳng đứng. Lá cây dài 3 – 8cm, rộng 1 – 2,5cm, thuôn dài, đầu nhọn và hẹp dần về phía cuống, không có nhựa mủ, mọc đối xứng. Cuống lá ngắn; gân lá hình lông chim, lồi ở mặt dưới. Hoa Dừa cạn mọc riêng lẻ ở kẽ lá, màu trắng, hồng hoặc đỏ; giữa hoa thường có màu vàng hoặc đỏ sậm, có mùi thơm đặc trưng. Đài hoa hợp thành ống ngắn, tràng hợp hình đinh, mỗi hoa có 5 cánh mỏng. 5 nhị rời, đính lên ống tràng, xen kẽ cánh hoa. Lá noãn 2, hợp với nhau ở vòi và đầu nhuỵ nhưng rời ở bầu.Quả đại rộng 2 – 3cm, dài 2,5 – 5cm, mọc thẳng đứng, đầu quả hơi tù, trong có 12 – 20 hạt nhỏ, hình trứng, màu nâu nhạt. Trên bề mặt hạt có những nốt nổi, xếp thành hàng dọc. Mùa hoa quả quanh năm.

    Rễ Dừa cạn thẳng hoặc cong, đường kính 1 – 2cm, dài 10 – 20cm, mặt ngoài hơi nhẵn, màu nâu vàng. Đoạn gốc thân phía trên màu xám, có vết sẹo của cành con, dài 3 – 5cm và có nhiều rễ con nhỏ bên dưới. Rễ Dừa cạn cứng khó bẻ, mặt cắt ngang màu trắng ngà, vị đắng và không mùi.

  • Phân bố: Dừa cạn mọc hoang trong thiên nhiên và trồng làm cảnh ở nhiều nơi như An Giang, Bình Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Phú Quốc và Côn Đảo.

Bộ phận dùng, thu hái:

  • Bộ phận dùng: rễ và lá.
  • Thu hái: Thu hái lá trước khi cây có hoa. Thu hoạch rễ quanh năm.

Dược liệu Dừa cạn

Công dụng, cách dùng:

Theo y học cổ truyền

  • Theo Đông y, Dừa cạn có vị hơi đắng, tính mát, tác dụng hoạt huyết, tiêu thũng, hạ huyết áp, giải độc. Tác dụng: Dùng để thông tiểu tiện, chữa bệnh đi tiểu đỏ và ít, bị bế kinh, huyết áp cao, tiêu hóa kém.

Theo kinh nghiệm dân gian, người ta dùng rễ Dừa cạn để tẩy giun và hạ sốt. Hoạt chất trong thân và lá có tính săn da, lọc máu nên được dùng để chữa một số bệnh ngoài da và đái tháo đường. Từ lâu đời, người dân ở Ấn Độ, châu Úc, nam châu Phi và quần đảo Antilles đã dùng Dừa cạn chữa bệnh đái tháo đường, tuy nhiên tác dụng này chưa được chứng minh bằng nghiên cứu.

Theo y học hiện đại

  • Trong điều trị ung thư

    Dừa cạn chứa nhiều alcaloid có hoạt tính như: Vinblastin, vincristin, vindoline, vindolinine, tetrahydroalstonin, catharanthine, pirinin, ajmalicine…..

    Trong đó, vincristin và vinblastin có tác dụng ức chế mạnh lên tế bào hoặc sự phân bào, dẫn đến kìm hãm tăng sinh quá mức bạch cầu ở bệnh nhân ung thư máu. Đây là phương pháp điều trị bệnh bạch cầu tốt nhất hiện nay.

    Vincristin hiệu quả đối với bệnh nhân ung nhưng lại gây hại cho thai nhi và ức chế hệ thần kinh trung ương.

  • Trong điều trị giun ký sinh và lợi tiểu

    Các hoạt chất catharanthin, vindoline và vindolidin trong Dừa cạn có tác dụng tẩy giun và tác dụng lợi tiểu khá mạnh, nhưng ajmalicin lại gây tác động ngược lại.

  • Trong làm săn da và lọc máu

    Hoạt chất chiết từ thân và lá Dừa cạn làm săn da và lọc máu.

  • Cách dùng:

Liều dùng 8 – 20g thân và lá phơi khô, sắc với nước, điều chế thành cao lỏng hoặc viên nén từ cao khô.

Ngoài ra, chữa bệnh bạch cầu lympho cấp bằng thuốc tiêm chứa dịch chiết vinblastin từ lá Dừa cạn.

Lưu ý:

  • Chỉ sử dụng Dừa cạn để điều trị bệnh theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Tránh dùng Dừa cạn cho phụ nữ mang thai hoặc cho con bú vì cây có độc tính cao, dễ ảnh hưởng đến thai nhi và trẻ sơ sinh.
  • Không chỉ định cho người có huyết áp thấp.
  • Dùng Dừa cạn với liều cao và kéo dài có thể gây mù loà hoặc dẫn đến tử vong.
  • Phản ứng không mong muốn của Dừa cạn tương tự các thuốc điều trị ung thư khác như: Nhức đầu, chán ăn, viêm miệng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, táo bón, tắc hoặc liệt ruột, giảm bạch cầu, rụng tóc, viêm dây thần kinh.
  • Hàm lượng hoạt chất chứa trong Dừa cạn hoa trắng thường cao hơn hoa đỏ hoặc hoa hồng, vì vậy nên chọn loài này để làm thuốc.
0914 789 868
icons8-exercise-96 chat-active-icon